Trường Đại học Kiên Giang quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên
30/11/2023 10:21:44| Người đăng tin: lvdien
Những năm qua, gắn liền với phát triển quy mô đào tạo, Trường Đại học Kiên Giang quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên với nhiều giải pháp. Nhờ đó, đội ngũ giảng viên của trường không ngừngphát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
QUAN TÂM ĐÀO TẠO NHÂN LỰC
Tiến sĩ Ngô Văn Thiện công tác tại Trường Đại học Kiên Giang từ năm 2015, đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Phòng Kế hoạch tài chính. Tốt nghiệp tiến sĩ năm 2019, Tiến sĩ Ngô Văn Thiện được bổ nhiệm Trưởng Khoa Kinh tế. “Trường có hướng đi đúng đắn trong việc bố trí nhân sự sau đào tạo, phát huy tốt vai trò của từng cá nhân. Tôi rất hài lòng với công việc của mình vì có điều kiện, môi trường phát huy năng lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Tiến sĩ Ngô Văn Thiện chia sẻ. Từ năm 2020 đến nay, Khoa Kinh tế đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hai lần được nhận cờ thi đua cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Thiều Thị Hoàng Oanh - giảng viên chính Khoa Ngoại ngữ gắn bó với Trường Đại học Kiên Giang từ ngày đầu thành lập. Năm 2020, cô Hoàng Oanh được nhận học bổng toàn phần học nghiên cứu sinh ngành giáo dục học tại Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, Trung Quốc, dự kiến tốt nghiệp vào cuối tháng 9-2024.
Cô Thiều Thị Hoàng Oanh chia sẻ: “Trường quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài. Theo đó, trường tổ chức các buổi toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng nước ngoài, kinh nghiệm sống và học tập tại nước ngoài và khuyến khích giảng viên tham gia học bổng. Trường tổ chức luyện thi IELTS (chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) và hỗ trợ cán bộ, giảng viên của trường kinh phí đi thi chứng chỉ. Trong thời gian đi du học, chúng tôi vẫn là giảng viên cơ hữu của trường, được hưởng các chế độ chính sách về lương, thưởng các dịp lễ, tết và việc tham gia bảo hiểm xã hội của chúng tôi không bị gián đoạn. Lãnh đạo trường, khoa luôn quan tâm, động viên để chúng tôi vượt qua khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi hoàn thành luận án”.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kiên Giang, trường rất chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo bởi đây là yếu tố quyết định trong nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Trường xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo, đề án đào tạo đội ngũ nhà giáo trình độ tiến sĩ. Trường xác định công tác đào tạo giảng viên được thực hiện từ 3 nguồn nguồn kinh phí gồm: Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quỹ phát triển sự nghiệp của trường; giáo viên tự xin học bổng học tập ở nước ngoài. Đối với nguồn quỹ phát triển sự nghiệp, trường ưu tiên đào tạo tiến sĩ đối với các giảng viên đang giữ chức vụ hoặc thuộc diện quy hoạch cấp trưởng, phó đơn vị; giới hạn độ tuổi (nam từ 40 tuổi trở lên, nữ từ 35 tuổi trở lên). Bên cạnh đó, trường còn tạo điều kiện về mặt thời gian cho giảng viên đi học bằng chi phí tự túc.
“Năm 2015, Trường Đại học Kiên Giang có tổng số 186 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó 2 phó giáo sư, 6 tiến sĩ, 80 thạc sĩ. Đến nay, toàn trường có 265 cán bộ, giảng viên, nhân viên; trong đó, có 31 tiến sĩ, 165 thạc sĩ. Qua hơn 9 năm phát triển, đội ngũ của trường phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, nổi bật là số lượng tiến sĩ tăng hơn 6 lần, thạc sĩ tăng hơn gấp đôi so mới thành lập. Trường hiện còn 30 nghiên cứu sinh, trong đó 14 nghiên cứu sinh đang học tập ở nước ngoài. Những tiến sĩ sau tốt nghiệp phát huy tốt năng lực, công tác tốt góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của trường”, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cho biết.
Trường quan tâm đào tạo trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ viên chức quản lý. Quan tâm bồi dưỡng năng lực sư phạm, xem đây là yếu tố rất quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhà trường đối với viên chức quản lý.
Tiến sĩ Ngô Văn Thiện - Trưởng Khoa Kinh tế trong giờ dạy môn thị trường chứng khoán
GIỮ CHÂN, THU HÚT NHÂN TÀI
Theo chiến lược phát triển nhà trường, đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ phải đạt 30%. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu, trường tăng cường đào tạo giảng viên tại chỗ. Đối với những ngành, lĩnh vực nhu cầu xã hội lớn, khó tuyển dụng, khó thu hút giảng viên, trường ưu tiên nguồn quỹ phát triển sự nghiệp thực hiện đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên của trường mà không cần thuộc diện quy hoạch, không giới hạn độ tuổi. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian cho giảng viên đi học bằng nguồn kinh phí tự túc.
Trường đang xây dựng đề án thu hút nguồn nhân lực, dự kiến thông qua Hội đồng trường vào tháng 12-2023. Theo dự thảo đề án, trường thực hiện nhiều chính sách thu hút từ nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp với chế độ đãi ngộ cao, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia công tác và cống hiến. Tăng cường tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ.
Trường thực hiện nhiều chính sách, giải pháp “giữ chân” giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó xác định việc tạo môi trường thuận lợi cho tiến sĩ cống hiến là quan trọng nhất. Đối với tiến sĩ sau tốt nghiệp, trường sắp xếp, bố trí các vị trí quản lý phù hợp trình độ chuyên môn; tạo môi trường cho tiến sĩ nghiên cứu khoa học bằng cách xây dựng nhóm nghiên cứu liên ngành và kết nối các trường đại học thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh...